Quyền được chuyển đổi giới khi nào được Việt Nam tôn trọng hoàn toàn?

Theo RFA

Cuộc diễu hành niềm tự hào đồng tính hàng năm ở Hà Nội vào ngày 4 tháng 8 năm 2013 – AFP

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí mới đây có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, trong đó nhấn mạnh quyền được chuyển đổi giới của công dân.

Theo ông Trí, việc xây dựng luật là cần thiết để khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là quyền nhân thân cơ bản của công dân; khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của một công dân; đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân với các dạng giới truyền thống thông thường khác; hoàn thiện hơn nữa pháp luật về quyền con người đã được hiến định, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới.

Một luật sư ẩn danh ở Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA sáng 18 tháng 4 năm 2023:

“Theo quan điểm của tôi thì việc ông Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng luật về quyền chuyển đổi giới tính, gọi là Luật bản dạng giới, là một điểm rất đáng hoan nghênh, bởi ông Trí đã thể hiện sáng quyền lập pháp của ông ấy.

Theo tôi, đối với những dự án luật không liên quan đến chính trị hoặc những quyền về bầu cử, thì việc được Quốc hội thông qua sẽ đơn giản và dễ dàng hơn so với những quyền liên quan đến chính trị hoặc là quyền tự do của công dân.

Thêm vào đó, thời qua qua, tôi thấy xã hội Việt Nam đã chấp nhận và thông cảm, đồng cảm đối với những người có giới tính khác giới tính nam và nữ. Tôi cho rằng với luật về chuyển đổi giới tính, đó có thể là một bước để Việt Nam nói với thế giới rằng chúng tôi cũng tôn trọng quyền con người; chúng tôi cũng đề cao quyền con người đây, chứ không phải như các ông nói là chúng tôi không tôn trọng quyền con người.

Hơn nữa, khi luật này được thông qua thì đó cũng là một hình thức nhằm ghi điểm trong cộng đồng quốc tế về sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thay vì họ đề cao quyền tự do, đề cao quyền chính trị của công dân. Như thế nó sẽ đụng chạm tới quyền lợi của các đảng phái, quyền lợi của lợi ích nhóm chẳng hạn.”

Thực tế, Bộ luật Dân sự thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 24 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính.

Khoản 3 Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ cho phép xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của một người bị khuyết tật bẩm sinh, hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học để xác định giới tính. Thêm vào đó, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP cũng nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, nếu không xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề chuyển đổi giới tính thì sẽ ảnh hưởng cả vấn đề về thể chế lẫn thực tiễn và cả vấn đề hội nhập quốc tế.

876ab728-13d5-4618-8f51-a71ed1f42e57.jpeg
Các bạn trẻ LGBT bày tỏ vui mừng khi Quốc hội VN thông qua luật dân sự thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính hôm 24/11/2015. AFP

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 9 năm 2022, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam, song con số thực tế cao hơn rất nhiều bởi đa số giấu kín, chưa công khai.

Cô Lê Ánh Phương, một người chuyển giới từ nam sang nữ từ 10 năm trước, nói với RFA quan điểm của mình về đề xuất của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí:

“Bản thân em là người trong cuộc. Em nghĩ đó là một nhu cầu thiết yếu cần có cho những người như tụi em, bởi vì tụi em là những người đã chuyển đổi giới tính mà tụi em sống như là một công dân bên lề xã hội. Tụi em không được pháp luật thừa nhận. Phải dùng từ “không công bằng” ở đây chị ạ. Nhiều lúc em nói ra muốn khóc bởi em đã phẫu thuật 10 năm rồi nhưng vẫn không có một cái quyền gì trong xã hội hết.

Mặc dù xã hội bây giờ rất cởi mở nhưng pháp luật của nhà nước hiện tại vẫn chưa ban hành luật dành cho những người đã chuyển đổi giới tính như tụi em. Do đó, tụi em rất thiệt thòi trong công việc, trong cuộc sống. Theo em nghĩ, một khi xã hội đã cởi mở, đã chấp nhận tụi em thì pháp luật nên thừa nhận càng sớm càng tốt cho những người như tụi em. Đừng để tụi em sống một ngày là đau khổ một ngày như bây giờ.”

Theo cô Ánh Phương, việc chính thức được công nhận là phụ nữ về mặt luật pháp sẽ cho cô một sự công bằng và bình đẳng trong xã hội về công việc. Cô sẽ được hưởng những quyền lợi và chế độ của phụ nữ. Cô nói thêm:

“Thứ hai, điều mong mỏi lớn nhất, đó là hạnh phúc. Tụi em sinh ra trong một hình hài khác với tâm sinh lý. Do đó muốn được hạnh phúc thì tụi em phải đi chuyển giới để được kết hôn với một người đàn ông bình thường. Nếu pháp luật không thừa nhận thì tụi em sẽ vĩnh viễn không được đăng ký kết hôn trên giấy tờ. Mong muốn lớn nhất trong cuộc đời của em bây giờ là được đăng ký kết hôn với người mình yêu.”

Cũng theo cô Phương nói thêm, có một điều cô thấy rất vô lý, rất ức mà không làm gì được. Đó là sau khi chuyển giới, cô không được chính thức đổi tên và giới tính trên giấy tờ tùy thân. Trong khi quyền được thay đổi hộ tịch là quyền của mọi công dân.

Điều này cũng xảy ra với trường hợp ca sĩ Hương Giang – một người chuyển giới – Giám đốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hương Giang Entertainment.

Hương Giang Entertainment bị Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM yêu cầu dừng cuộc thi Hoa hậu chuyển giới 2023 với lý do không có văn bản chấp thuận của sở này. Điều đáng nói là khi loan tải thông tin trên báo chí chính thống, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Phó Chánh văn phòng, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM lại gọi tên trên giấy tờ của ca sĩ Hương Giang là “ông Nguyễn Trung Hiếu”.

Vị luật sư ẩn danh bình luận với RFA rằng, việc nêu tên Hương Giang bằng tên tục như vậy là điều không chấp nhận được vì nó thể hiện sự không tôn trọng người khác và sự lạm quyền của truyền thông Nhà nước.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s