Mua bảo hiểm nhân thọ: bị gạt hay tự nguyện?

Theo RFA

Tập đoàn Bảo Việt, một trong những tập đoàn bán bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam. Ảnh minh họa – Reuters

Mấy hôm nay, mạng xã hội xôn xao câu chuyện của một diễn viên cho rằng, mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ. Sự việc khiến Bộ Tài chính yêu cầu công ty bảo hiểm phải rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm cũng như việc tư vấn của người đại lý bán bảo hiểm cho diễn viên này.

Một số bình luận trên mạng xã hội cho rằng, các công ty bảo hiểm “lừa” khách hàng mua bảo hiểm thông qua đội ngũ đại lý; một số khác cho rằng, khách hàng có thời gian 21 ngày cân nhắc để đọc hết các điều khoản sau khi mua bảo hiểm. Nếu không thích có thể hủy hợp đồng lấy lại hoàn toàn số tiền đã đóng. Khách hàng không đọc là “lỗi” của khách hàng.     

Một người huấn luyện đại lý cho Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential (giấu tên vì lý do an toàn) nói với RFA:

“Thật ra lỗi là cả ở phía khách hàng là người đại lý, nhưng tôi không nghĩ đại lý có lỗi chính vì đại lý chỉ là cầu nối giữa khách hàng và công ty ban đầu mà thôi. Người dân mình thường mua bảo hiểm vì niềm tin, vì mối quan hệ, vì xã giao. Ví dụ mình làm sếp công ty nào đó mà có người nhà bán bảo hiểm thì nhân viên hay mua để lấy lòng sếp.

Do đó, khi tôi huấn luyện đại lý tôi vẫn nói, phải nói rõ khách hàng có 21 ngày cân nhắc sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm. Về nhà khách hàng phải đọc kỹ các điều khoản, đọc hết nội dung hợp đồng. Nếu cái nào không hiểu thì hỏi lại công ty. Còn nếu thấy nó không phù hợp thì có thể hủy hợp đồng nhận hàng và số tiền đã đóng trong 21 ngày cân nhắc. Tư vấn viên thì họ chỉ ăn hoa hồng thôi. Họ đâu có đi giựt tiền của khách hàng vì tiền khách hàng nộp cho công ty mà”.

Là một luật sư, ông Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân của mình rằng: “Đừng vội trách công chúng không đọc hợp đồng bảo hiểm. Vì có đọc cũng chẳng hiểu, kể cả luật sư. Cho nên, thực chất khách hàng là nạn nhân của các đại lý bảo hiểm vô đạo đức đã cố ý giải thích sai hợp đồng.”

Bảo hiểm nhân thọ là một dạng sản phẩm không được bán trực tiếp mà phải thông qua đội ngũ đại lý. Đại lý chính là cầu nối trung gian giữa công ty bảo hiểm với khách hàng. Đại lý được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người đại lý luôn luôn được công ty huấn luyện kỹ càng trước khi bán bảo hiểm cho khách hàng. Nhưng một số đại lý vẫn bị coi là tư vấn không đúng với trách nhiệm và đạo đức dẫn đến thiệt thòi cho cả khách hàng lẫn công ty.

Điều 88 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 nêu rõ, trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.

Ông Bằng Phi, một đại lý có thâm niên bán bảo hiểm nhân thọ cho Manulife Việt Nam hơn 20 năm, nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 10 tháng 4 năm 2023:

“Cái chuyện này nó xảy ra cũng nhiều năm lắm rồi. Thứ nhất, bộ hợp đồng bảo hiểm nó rất là dày. Một số khách hàng họ tin vào người đại lý cho nên họ không có đọc điều khoản hợp đồng. Mà quan hệ giữa khách hàng với công ty là thông qua hợp đồng bảo hiểm với những điều khoản được ký kết. Còn những lời đại lý tư vấn chỉ là lời nói thôi, nó không thể hiện trong bộ hợp đồng. Đại lý chỉ là môi giới thôi.

Một số người đại lý muốn bán được hợp đồng nên có thể họ tư vấn không rõ ràng. Họ có khuynh hướng đẩy quyền lợi lên rất là cao. Họ không nói sai nhưng họ nói không đầy đủ. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi thì đa số là do đại lý.

Họ thường tư vấn lấp lửng. Họ nói mặt phải mà không nói mặt trái. Họ nói quyền lợi mà không nói nghĩa vụ của khách. Ngoài ra, người Việt Nam có khuynh hướng nể cả người đại lý. Đại lý là người thân, người quen nên chỉ tin mà không vặn hỏi. Mà khách hàng đã tin đại lý thì đại lý bán cái gì họ cũng tin và mua.”

Từng được công ty cho đi nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, ông Phi khẳng định, chuyện đại lý bị coi là lừa khách hàng do tư vấn không trung thực rất phổ biến ở Việt Nam, nơi mà ông gọi là “quan tham thì dân phải gian”.

Chị Dung, một khách hàng Dai-ichi Life nói với RFA:

Không ai mà đọc hết cả trăm điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm cả. Cỡ nào mình kiện mình cũng thua hết vì họ có những điều khoản nhỏ bên trong nữa. Không ai nghe hết cả trăm điều khoản từ tư vấn viên cả. Theo tôi, bảo hiểm ở Việt Nam nó đã biến tướng rồi. Tôi có cảm giác bị lừa. Tôi đóng 150 triệu trong bảy năm mà lấy lại được có 19 triệu thôi. Đó là vấn đề.”

Tính đến ngày 01 tháng 12 năm 2021, có 18 công ty bảo hiểm nhân thọ  đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có những công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất trên thế giới như AIA; Prudential; Manulife; Metlife; Dai-ichi Life Insurance; Generali Việt Nam…

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s