Theo VOA

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nói hôm 3/4 rằng việc đất nước nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong cả năm 2023 là “kịch bản rất thách thức” nhưng vẫn cần phải theo đuổi mục tiêu này để phục vụ cho kế hoạch trung hạn, các báo Việt Nam đưa tin.
Lời nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng được đưa ra trong một phiên họp của chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 năm nay chỉ đạt 3,32%, là mức thấp thứ nhì so với cùng kỳ của 13 năm gần đây.
Bộ của ông Dũng dự báo rằng nền kinh tế sẽ vẫn gặp khó khăn trong quý 2 và đề xuất chính phủ “cần sớm có chính sách hỗ trợ mới về giảm thuế, phí, lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất”.
Trên cương vị thủ tướng, ông Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo sinh kế cho người dân.
Thủ tướng Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành cân bằng, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát; xử lý các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém và rà soát tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở.
Ông Chính cũng giục Bộ Tài chính sớm trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Tại phiên họp của chính phủ, theo trích dẫn của báo chí trong nước về các phát biểu của Bộ trưởng Dũng và Thủ tướng Chính, hai ông đưa ra đánh giá rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm, các nước thắt chặt tiền tệ, cầu giảm, thị trường thu hẹp, v.v…, nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam bị tác động không nhỏ.
Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn hàng, đơn giá tại các thị trường xuất khẩu tiếp tục giảm, nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng từ quý 4/2022, chỉ đảm bảo duy trì 35-50% năng lực sản xuất.
Các khó khăn khác mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt là chi phí đầu vào, nguyên vật liệu vẫn ở mức cao đã gây sức ép lên tỷ giá, giá thành sản xuất khi 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập nguyên liệu sản xuất; và lãi suất tiền gửi và vay từ ngân hàng tăng khiến chi phí vốn leo thang và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuy nhiên, bộ vẫn kiến nghị chính phủ lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%. Để làm được điều đó và bù cho mức tăng trưởng thấp của quý 1, mức tăng trưởng trong quý 2 phải là 6,7%, quý 3 và quý 4 lần lượt là 7,5% và 7,9%.
Nếu đạt được tăng trưởng 6,5% trong cả năm 2023, điều này tạo đà cho các năm tiếp, tiến tới hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu chọn mục tiêu ít tham vọng hơn là chỉ tăng trưởng 6% trong năm 2023, điều đó sẽ gây áp lực rất lớn lên kế hoạch đạt mức tăng trưởng bình quân 6,5-7% trong 5 năm từ 2021-2025, theo đó, hai năm 2024 và 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm.