Thu Hằng | Trần Công
Theo RFI

Vụ “Thảm sát làng Phong Nhị” ở Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý tại Hàn Quốc thời gian gần đây. Ngày 07/02/2023, Tòa án quận Trung tâm Seoul đã ra phán quyết sơ thẩm yêu cầu chính phủ Hàn Quốc xin lỗi và bồi thường hơn 30 triệu won cho bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên đơn có người thân chết trong vụ thảm sát. Đây là lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các nạn nhân vụ thảm sát năm 1968 tại Quảng Nam.
Tuy nhiên, đối với bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, phán quyết của tòa làm ô danh quân đội nước này vì binh lính Hàn Quốc không gây ra các vụ thảm sát trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Bộ trưởng Lee Jong Sup giải thích trước Quốc Hội hôm 17/02 rằng tình hình ở Việt Nam lúc đó “rất phức tạp” và “có nhiều trường hợp người mặc quân phục Hàn Quốc nhưng không phải là lính Hàn Quốc”. Ngày 09/03, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết đã kháng cáo phán quyết của tòa án.
Ngay lập tức, Việt Nam đã đề nghị Seoul “tôn trọng sự thật lịch sử” về vụ thảm sát ở Quảng Nam. Trong buổi họp báo chiều 09/03, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết :
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc trước việc chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của tòa án. Và việc này không phản ánh đúng sự thật khách quan đối với vấn đề này. Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử (…).
Và trên tinh thần đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần vào củng cố, tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, cũng như nhân dân hai nước”.
Thông tín viên Trần Công tại Seoul cho biết thêm về vụ kiện, cũng như phản ứng của công luận tại Hàn Quốc.
Những bức ảnh được giải mật phản ánh 50 năm chịu nỗi đau thảm sát
Bà Nguyễn Thị Thanh là một trong số ít những người sống sót và đã mất gia đình trong vụ thảm sát 74 người do lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 Hàn Quốc gây ra ở làng Phong Nhất – Phong Nhị năm 1968. Bà từng được Bảo Tàng Hòa Bình mời đến Hàn Quốc năm 2018 để làm nhân chứng cho vụ thảm sát ở làng Phong Nhị. Bà cho biết “vô cùng vui mừng” về phán quyết của tòa vì đó “sẽ là niềm an ủi hương linh những người thiệt mạng”, cũng như nỗi đau suốt hơn 50 năm mất người thân và ba năm đấu tranh pháp lý của bà.
Tháng 04/2020, bà Thanh đã đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc về tội ác của quân đội nước này trong chiến tranh Việt Nam, yêu cầu chính phủ Hàn Quốc xin lỗi và bồi thường 30 triệu won (580 triệu đồng). Theo lời bà Thanh, vụ thảm sát xảy ra ngày 14 tháng 1 âm lịch năm 1968, binh lính Đại Hàn tấn công vào làng, bà Thanh (lúc đó 8 tuổi) được dì ruột kéo xuống hầm để trốn cùng ba anh chị em nhưng bị lính Đại Hàn phát hiện. Trong bản án, được hãng tin Yohap trích dẫn, bà Thanh cho biết : “Vào thời điểm đó, các binh sĩ buộc gia đình nguyên đơn ra khỏi nhà, đe dọa bằng đạn thật và súng, trước khi bắn họ. Kết quả là gia đình nguyên đơn đã chết tại hiện trường và nguyên đơn cùng những người khác bị thương nặng”. Bà may mắn được người chú đưa ra Đà Nẵng cứu chữa.
Vụ thảm sát được nhà báo Koh Kyeong Tae đưa ra ánh sáng khi tổ chức triển lãm ảnh về các nạn nhân làng Phong Nhất-Phong Nhị tại Art Link Gallery ở Seoul, khai trương ngày 09/09/2016.
Sự kiện này xảy ra ngày 12/02/1968, sau trận càn của đại đội 1, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 2 đơn vị Rồng xanh Hàn Quốc.
Sau trận càn, hạ sĩ J. Vaughn, thuộc đơn vị thủy bộ số 3 của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đã vào tiếp quản khu vực và phát hiện nhiều thường dân bị sát hại, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Hạ sĩ Vaughn đã chụp ảnh và báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, sự việc chỉ được công bố sau 32 năm, theo luật giải mật của chính phủ Hoa Kỳ. Nhiều năm sau đó, nhà báo Koh Kyeong Tae đã đến Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn cũng như tìm hiểu thêm thông tin về vụ thảm sát và cho ra đời cuốn sách “12-2-1968”.

“Xin lỗi là thể hiện tính nhân văn”
Trong phán quyết sơ thẩm ngày 17/02/2023, tòa cho rằng “bà Thanh phải chịu nhiều vết thương nghiêm trọng do quân đội Hàn Quốc gây ra”, đồng thời khẳng định sự việc là “hành động phạm pháp rõ ràng”. Về thắng lợi của nguyên đơn ở cấp sơ thẩm, bà Kiều Chinh, trợ lý luật sư của Văn phòng luật Law Firm Law Win, nhận định :
“Một đất nước xin lỗi những người bị hại, việc đó không gây ảnh hưởng đến uy tín của nước đó, mà thực ra còn nâng uy tín lên. Việc tòa án ra phán quyết bồi thường cho nạn nhân Việt Nam, về mặt lý dĩ nhiên là phải bồi thường. Còn về mặt tình, tôi thấy rằng thông qua sự việc này, người dân hay chính phủ Việt Nam, về mặt ngoại giao, cũng có cái nhìn tôn trọng hơn đối với Hàn Quốc. Việc xin lỗi cũng là hành động thể hiện Hàn Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và người dân Việt Nam”.
Tuy nhiên, con đường vẫn còn dài vì bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã kháng án. Bà Kiều Chinh giải thích : “Hiện tại bây giờ mới là ở tòa sơ thẩm, còn phải lên tòa phúc thẩm. Khi họ kháng án, có nghĩa là bản án vẫn chưa có hiệu lực chính thức. Cho nên để đến khi bản án thực sự có hiệu lực thì còn rất là xa, vì bên quân đội Hàn Quốc sẽ liên tục đưa ra những phản ứng”.
Chị Linh, nhân viên của đài KBS Hàn Quốc, hi vọng phiên tòa sẽ được truyền thông Hàn Quốc chú ý nhiều hơn. Phán quyết ở cấp sơ thẩm thừa nhận trách nhiệm của Hàn Quốc đối với tội ác chiến tranh tại Việt Nam còn có ý nghĩa lớn sau này, theo giải thích của chị Linh :
“Đây là một phán quyết bước đầu để mở ra cơ hội cho cả hai bên Việt Nam và Hàn Quốc tìm ra hướng đi trong vấn đề mà chúng ta đã cố gắng giải quyết từ rất lâu. Những nạn nhân trong vụ thảm sát ở miền Trung Việt Nam do các binh đoàn của Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam cũng đã dành nhiều thời gian để đi tìm lại công lý cho bản thân và gia đình của họ. Việc này cũng giống như việc Hàn Quốc luôn yêu cầu Nhật Bản phải xin lỗi và công nhận sự thật đã xảy ra trong quá khứ và yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân. Và chúng ta sẽ có thể vượt qua quá khứ đau thương để tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn thay vì cứ lờ sự việc đó”.
Tranh cãi tại Hàn Quốc
Vai trò của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một số người Hàn Quốc khẳng định sự có mặt của quân đội nước này là hợp pháp vì Hoa Kỳ và Hàn Quốc lúc đó là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa. Trên lý thuyết, nhiệm vụ của họ là duy trì trật tự công cộng, hỗ trợ người dân, và quét sạch Việt Cộng ra khỏi lãnh thổ miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa).
Năm 2017, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã ca ngợi “tinh thần yêu nước”, “sự cống hiến và hy sinh” của quân nhân Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam để “nền kinh tế Hàn Quốc tồn tại được”. Phát biểu này đã buộc đại diện bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối với đại diện sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, theo trang VTC ngày 12/06/2017.
Công luận Hàn Quốc có ý kiến trái chiều về bối cảnh, cũng như vai trò của binh lính Hàn Quốc ở làng Phong Nhất. Một người nêu ý kiến : “Vào thời điểm đó, khó có thể phân biệt được đâu là bạn đâu là thù. Ngôi làng lúc đó là một bãi chiến trường. Và rất có thể lính Việt cộng sẽ tấn công bất kỳ lúc nào kể cả vào ban đêm”.
Một người khác có chung nhận định : “Nếu chúng ta sai thì chúng ta phải xin lỗi và bồi thường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Việt cộng có thể đã trà trộn và cải trang thành thường dân, và quân đội Đại Hàn khó có thể phân biệt từng người một trong chiến tranh. Nhật Bản cũng đã làm hàng loạt tội ác như vậy với người dân Trung Quốc”.
Một số khác đồng tình về phát quyết sơ thẩm, thậm chí yêu cầu bồi thường cao hơn: “Chính phủ phải đền cho họ 100 triệu won, chứ không phải 30 triệu won” ; “30 triệu won là quá ít cho cả một gia đình bị tàn sát”.
Phiên tòa về “Thảm sát làng Phong Nhị” diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều phiên xử về “Phụ nữ giải sầu” dưới thời quân đội Nhật chiếm đóng trong Thế Chiến II. Theo giới nghiên cứu sử học, đa số nạn nhân là phụ nữ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhiều nhân chứng và nạn nhân Hàn Quốc đã theo đuổi vụ kiện chính quyền Tokyo trong nhiều năm nhưng chưa có kết quả. Chính phủ Nhật Bản phủ nhận các cáo buộc liên quan ngay tại Liên Hiệp Quốc. Nhiều đơn kiện do chính tòa án Seoul tuyên thắng trong tòa sơ thẩm, nhưng lại bị phán vô hiệu ở phiên phúc thẩm nhờ quy định “miễn trừ chủ quyền” của Tokyo.
Bà Kiều Chinh, Văn phòng luật Law Firm Law Win, cho biết thêm : “Vào thời chiến tranh, lính Nhật Bản cũng đã làm những hành động độc ác với người dân Hàn Quốc. Nhưng hiện tại, chính phủ Nhật Bản vẫn làm một động tác rất sai về mặt chính trị, về tình lý, đó là từ chối bồi thường hay xin lỗi người dân Hàn Quốc”.
Phong trào “Xin lỗi Việt Nam”
Trong những năm qua, rất nhiều tổ chức cũng như cá nhân Hàn Quốc đã đến thăm các nạn nhân cũng như các ngôi làng bị lính đại Hàn càn quét trong chiến tranh Việt Nam. Tiến sĩ Ku Su Joeng, người khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” vào năm 1999, cũng đã đăng nhiều bài báo phơi bày mặt trái của quân đội Hàn Quốc khi tham chiến tại Việt Nam.
Vào ngày 14/02/2023, ông Kim Chang Sup, trưởng đoàn quỹ hòa bình Hàn – Việt, cùng với các thành viên đến từ Hàn Quốc đã đọc thư xin lỗi nhân dân Việt Nam và cúi đầu xin lỗi dân làng. Tại đây, một nhà tưởng niệm đã được xây dựng nhờ sự hỗ trợ kinh phí của nhiều bên bao gồm của cả Hội Cựu Chiến binh Hàn Quốc.
Chiến tranh đã qua đi nhưng vết thương nó để lại vẫn hiện hữu trong cuộc sống của nhiều người và nhiều dân tộc. Việc nhìn lại và đánh giá lịch sử nên được làm một cách khách quan bởi những con người có lương tri và không vì mục đích hay vụ lợi.