Khủng hoảng ‘khinh khí cầu’ chưa dừng trong quan hệ Trung-Mỹ

Theo BBC

Hải quân Mỹ công bố ảnh mảnh khinh khí cầu TQ được trục vớt lên – US Fleet Forces Command

Trung Quốc đã tỏ ra mềm mỏng hơn sau vụ khinh khí cầu nhưng căng thẳng với Hoa Kỳ vẫn còn rất cao vì thời điểm tế nhị trong quan hệ song phương.

Vụ hai khinh khí cầu khổng lồ của Trung Quốc bay vào lục địa châu Mỹ, một trên không phận Hoa Kỳ, một bay qua Trung Mỹ vẫn làm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington lên cao.

Các câu hỏi chưa có lời đáp

Theo các nhà bình luận quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ ra mềm mỏng hơn hẳn trước đây, thời của ngoại giao “chiến lang” khi phản ứng trước cáo buộc “khinh khí cầu do thám” từ Hoa Kỳ.

Bộ này thậm chí còn qua lời một phát ngôn viên nói họ “lấy làm tiếc” vì “sự cố kỹ thuật khiến chiếc khinh khí cầu khí tượng-thời tiết” bay chệch đường vào Hoa Kỳ.

Nhưng sau khi Không quân Hoa Kỳ bắn hạ chiếc khinh khí cầu khổng lồ hôm 04/02, nhiều câu hỏi về nó vẫn chưa được Trung Quốc trả lời.

Theo CNN (07/02), ví dụ như công ty nào chế tạo các khinh khí cầu này, và cơ quan nào điều khiển chúng, đều không được công bố.

Đây là “sơ hở” lớn của Trung Quốc vì Hoa Kỳ đã vớt các mảnh của vật thể bay đó lên và sẽ tìm ra nhiều thông số kỹ thuật quan trọng.

Hải quân Mỹ vừa công bố nhiều mảnh vớt từ chiếc khinh khí cầu có chiều cao 60 mét và bộ phận điều khiển, thu thập thông tin to bằng một chiếc máy bay.

Khi các nước Costa Rica và Colombia thông báo thấy trái thứ hai bay qua nước họ, Trung Quốc im lặng vài ngày và phải mãi gần đây mới thừa nhận đó cũng là “khinh khí cầu nghiên cứu dân sự” của mình. Costa Rica cho hay TQ đã “xin lỗi” vì sự cố.

Dù các nước Trung Mỹ không phản ứng quyết liệt như Hoa Kỳ, việc để hai khinh khí cầu bay chệch đường sang không phận các nước khác mà không thông báo trước cho họ, không hề trợ giúp thông tin kỹ thuật, khiến hình ảnh Bắc Kinh bị xấu đi.

Dư luận cũng muốn biết có bao nhiêu khinh khí cầu tương tự của Trung Quốc đã và đang hoạt động trên thế giới.

Một số báo Anh cho rằng đã đến lúc quốc tế cần biết hơn về các hoạt động trên không của Trung Quốc ở các châu lục.

Từ lâu nay việc này đã diễn ra đều đặn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc công khai dùng phi cơ và các phương tiện do thám theo dõi hải quân Hoa Kỳ và các nước khác.

Thiếu minh bạch, gây thêm căng thẳng

Tuy thế, nhiều nhà quan sát cho rằng việc các cơ quan, bộ phận khác nhau của Trung Quốc có thói quen không minh bạch về hoạt động của mình là điều dễ hiểu.

Việc mập mờ không ai nhận trách nhiệm lại khiến nghi ngờ ở bên ngoài tăng lên, nếu ta chấp nhận giả thuyết đây chỉ là các khinh khí cầu thuần tuý dân sự.

Trong một động thái có thể được cho là hàm ý đổ lỗi cho cơ quan dân sự, Trung Quốc sa thải Giám đốc Cục Khí tượng-Thời tiết, ông Trang Quốc Thái.

Việc này chỉ được công bố trên đài báo nội bộ mà không nói rõ có đúng ông Trang phải chịu trách nhiệm cho vụ hai khinh khí cầu “lạc đường” hay là không.

Cùng lúc, theo GS Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc ĐH SOAS (University of London) nói với đài CNN rằng gần như chắc chắn là mọi chiến dịch do thám ở không phận Hoa Kỳ “phải có sự phê chuẩn của ông Tập Cận Bình”.

Cũng có giả thuyết rằng Quân Giải phóng muốn “phá hoại” nỗ lực của Bộ Ngoại giao chuẩn bị đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Tờ Financial Times ở Anh nhắc lại rằng hồi 2011, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chuẩn bị gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thì Quân Giải phóng cho thử phi cơ tàn hình. Phía Hoa Kỳ chấp nhận rằng có thể ông Hồ không biết chuyện đó.

Nhưng vào thời điểm này thuyết rằng ông Tập không biết, hoặc bị phe cánh nào đó trong quân đội “qua mặt” xem ra khó đứng vững vì quyền lực của ông đã là tuyệt đối, và bản thân ông Tập dự kiến tiếp ông Blinken ở Bắc Kinh để làm ấm lại quan hệ song phương.

China balloon
Chụp lại hình ảnh, Chiếc khinh khí cầu TQ có chiều cao lúc bơm căng tới 60 mét

Thời điểm khó khăn cho ban lãnh đạo Trung Quốc

Vụ “khủng hoảng khinh khí cầu” với Mỹ xảy ra vào thời điểm quan trọng cho Trung Quốc.

Một năm sau ngày đồng minh Nga của Trung Quốc đánh Ukraine, Bắc Kinh cần cân nhắc, đánh giá lại các mối quan hệ quốc tế, và rất cần Hoa Kỳ hạ nhiệt trên nhiều lĩnh vực.

Phía Mỹ hiểu điều đó và Bộ trưởng Ngoại giao Blinken chỉ nói ông hoãn, chứ không hủy chuyến thăm Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, sắp tới là kỳ họp Quốc hội có nhiệm vụ phê chuẩn tân nội các với dàn lãnh đạo Quốc vụ viện, gồm tân thủ tướng và nhiều chức vụ quan trọng được Tập Cận Bình chọn ra ở kỳ ĐH Đảng CS cuối 2022.

Kể cả khi chính quyền Biden tìm một kênh nói chuyện với Trung Quốc, phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ nhìn vụ “khinh khí cầu” như một cơ hội đẩy mạnh hơn thái độ đối đầu.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy được cho là đang lên lịch đi thăm Đài Loan, điều chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh bực tức.

Quan hệ Mỹ-Trung tưởng như đã nhích lên một nấc về phía hòa hoãn, sau giao tiếp cao cấp bên lề hội nghị G20 ở Bali tháng 11/2022.

Thế nhưng, vẫn theo Financial Times thì một nhà ngoại giao Trung Quốc ẩn danh cho biết, chỉ cần ông “McCarthy đi thăm Đài Loan thì mọi thứ sẽ trở về con số không”.

Mặt khác, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng phải tính đến lòng dân theo chủ nghĩa dân tộc, vốn được nhiều đài báo diều hâu trong nước, nhất là các kênh quân sự, thổi lên quanh cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trung Quốc hiểu là chính quyền Biden bị dư luận và phe Cộng hòa gây sức ép phải ra tay vụ bắn hạ khinh khí cầu.

Nhưng ở Trung Quốc cũng có sức ép tương tự, dù không công khai.

Được biết nhiều netizen của Trung Quốc bực tức chia sẻ video hình F-22 của Mỹ bắn tan chiếc khinh khí cầu ở ngoài khơi bang Nam Carolina.

Với họ, đó là hình ảnh một “cuộc chiến trên không” mà danh dự quốc gia bị bắn tan và chính quyền phải làm một cái gì đó.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s