Trọng Thành
Theo RFI

Sáng sớm hôm nay, 06/02/2023, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị động đất lớn với 7,8 độ richter. Theo số liệu sơ bộ, tổng cộng ít nhất 1.500 người chết, hàng nghìn người bị thương tại hai nước.
Tâm chấn động đất nằm ở huyện Pazarcik, tỉnh đông nam Kahramanmaras, cách biên giới Syria 60 cây số đường chim bay. AFP dẫn thông tin từ cơ quan cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ (Afad), cho hay gần 1.800 ngôi nhà sụp đổ do động đất. Số người chết và bị thương dự kiến sẽ còn tăng lên nhiều căn cứ trên số lượng nhà đổ tại các thành phố bị động đất, đặc biệt là ở Adana, Gaziantep, Sanliurfa, Diayarbakir.
Thành phố Adana, tỉnh Kahramanmaras, là một trong những nơi bị tổn thất nặng nề nhất. Trên kênh TRT, thị trưởng thành phố, ông Zeydan Karalar, cho biết có hai chung cư 17 tầng sụp đổ. Tại tỉnh láng giềng Gaziantep, giáp giới với Syria, 581 nhà đổ do động đất, khiến ít nhất 80 người chết, 600 người bị thương. Ở bên kia biên giới, chính quyền Syria thông báo 237 người chết do động đất. Các tổ chức thiện nguyện tại các vùng lãnh thổ Syria do phe nổi dậy kiểm soát cho biết hàng chục người khác tử nạn.
Trả lời RFI, ông Ahmed, một cư dân thành phố Diayarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cụ thể về vụ động đất sáng nay:
‘‘Buổi sáng hôm nay, vào lúc 4 giờ 17 phút, giờ địa phương, một trận động đất khá mạnh đã khiến tôi bừng tỉnh. Cho dù tôi đã khá quen với động đất, nhưng lần này động đất thực sự là mạnh. Tất cả rung lên bần bật cho dù ngôi nhà tôi ở là nhà mới, được xây dựng theo các tiêu chuẩn chống chịu động đất. Tôi đã không thể đứng vững. Tôi đã phải bám vào tường hành lang để tìm đến một nơi ẩn náu. Các bức tường bắt đầu kêu răng rắc, những mảng vữa trong nhà tắm bắt đầu rơi xuống. Tôi nghe thấy tiếng kêu của những người cứu nạn, tiếng nhà sụp đổ…. Tổn thất là rất lớn. Trong hiện tại, chúng ta mới chỉ có thông tin về thiệt hại tại các thành phố, chưa có thông tin về các vùng nông thôn, nơi nhà cửa được xây dựng theo kiểu cũ, chứ không phải theo các tiêu chuẩn phòng chống động đất.’’
Trận động đất hôm nay là nghiêm trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ trận ngày 17/08/1999, khiến 17.000 người chết. Liên Âu thông báo đã gửi các ê kíp cứu nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ, theo ủy viên xử lý khủng hoảng Liên Âu Janez Lenarcic. Theo AFP, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, như Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp. Hà Lan, Rumani đã cử riêng các đội cứu nạn. Theo cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, nước láng giềng Azerbaidja cũng đã điều động 370 nhân viên cứu nạn.